#

Friday, 23 May 2014

10 món canh giúp giải nhiệt tốt cho mùa hè






Mùa hè đến rồi, những cái nắng chói chang oi ả luôn khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, toát mồ hôi mất nước. Bởi vậy chúng ta luôn phải bổ sung nước liên tục cho cơ thể, cảm giác chán ăn hoặc ăn không còn hứng thú với chúng ta nữa. Đừng vì thế mà bỏ bê bữa cơm trưa bạn nhé. Sức khỏe vẫn là quan trọng nhất. Để kích thích hứng thú ăn uống cho bữa cơm của gia đình bạn thêm ngon, Mẹo vặt xin gửi tới bạn đọc bí quyết nấu "10 món canh giúp giải nhiệt tốt cho mùa hè" dưới đây.
Với 10 món canh này có tác dụng giải nhiệt rất tốt, giúp kích thích hứng thú ăn uống của các bé hay các thành viên trong gia đình bạn. Hãy vận dụng ngay để mang tới những món ăn thơm ngon bổ dưỡng cho tổ ấm của mình bạn nhé!

1. Món canh cua, mướp, mồng tơi, rau đay


Cua đồng rất giàu dinh dưỡng, nhiều đạm, chất béo và nhất là canxi, phốt pho; ngoài ra còn có sắt và các vitamin B1, B2, PP... Cua có tác dụng giảm đau nhức cơ xương khớp. Người ta thường giã cua, lọc nước uống sống trong trường hợp bị ngã, bị đòn, bị đụng dập các bắp cơ, mình mẩy đau nhức, chân tay mệt mỏi, không muốn vận động.

Mướp vị ngọt, tính bình, không độc, vừa là rau ăn lại có tác dụng nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, cầm máu và lợi sữa. Chị em phụ nữ sau sinh nở ăn mướp rất lành.

Mồng tơi vị chua, hàn, không độc, tác dụng lợi tiểu, chữa táo bón, đau đầu do trúng nắng. Đặc biệt, lá mồng tơi còn có tác dụng dưỡng da, làm cho mất nếp nhăn ở mặt, da mịn màng mềm mại, chống thô ráp bằng cách giã nhỏ lá mồng tơi non lấy nước cốt, cho vài hạt muối, thoa đều lên mặt vài lần trước khi đi ngủ.

Rau đay vị đắng tính bình, lá rau có chất nhày, nấu ăn nhuận tràng rất tốt, thông tiểu tiện, chữa táo bón, mát gan mát ruột. Rau đay còn chữa được ho khan, lợi sữa. Chị em phụ nữ sau sinh ăn rau đay sẽ có tỷ lệ chất béo trong sữa cao hơn các loại rau khác.







Chế biến: Cua đồng 500g; mướp hương 1 quả, nạo sạch vỏ, rửa thái miếng; rau mồng tơi, rau đay mỗi thứ một ít. Lọc cua thật kỹ, đun sôi, gạt gạch sang bên cho rau và mướp vào cùng đun chín để nguội, cho gia vị vừa đủ, canh cua ăn với cà pháo muối giòn rất hợp vị.

2. Canh tôm nõn nấu bầu

Tôm nõn là thực phẩm tỷ lệ đạm rất cao, nhiều canxi, được nhiều người ưa thích vì ăn không ngán, dễ tiêu hóa. Bầu, bí đều là rau quả mát, dễ nấu, dễ ăn về mùa hè, lợi niệu lại nhuận tràng.

Chế biến: Tôm khô rửa sạch, ngâm khoảng 10 phút cho mềm, nấu sôi, bỏ bầu, bí (băm nhỏ hoặc sắt miếng nhỏ) vào, nêm gia vị, nấu sôi là được.

3. Canh hoa thiên lý, giò sống

Hoa thiên lý rất giàu vitamin C, B1, B2 và các loại khoáng chất cần thiết như canxi, phospho, sắt, đặc biệt là kẽm, vì vậy, nó rất bổ dưỡng. Ngoài ra nó còn có tác dụng: giải nhiệt, cải thiện bệnh trĩ và phì đại tuyến tiền liệt. Dân gian còn cho rằng hoa thiên lý có tác dụng trợ dương, chữa chứng vô sinh ở nam giới do phải thường xuyên tiếp xúc với chì.



Nguyên liệu:

- Hoa thiên lý: 300gr

-Giò sống:150gr

- Gia vị

Thực hiện:

- Hoa thiên lý rửa sạch. Nhặt bớt cuống hoa già và những bông hoa úa.

- Đun sôi nước, lấy thìa nhỏ xúc giò sống thành từng viên rồi thả vào nối nước. 

- Lúc viên giò sống bạn lưu ý nhúng thìa vào nước hoặc dầu ăn thì thìa sẽ không bị dính.

- Nước thả giò sống sôi, nêm mắm muối vừa ăn rồi thả hoa thiên lý vào, sôi lại tắt bếp là xong. 

4. Canh mướp trứng gà

Trứng gà 2 quả, mướp 250 gr, các gia vị. Mướp gọt vỏ thái lát, nước nấu sôi cho mướp vào; trứng gà khuấy đều cho vào sau, nêm nếm gia vị. Canh này có công hiệu tư âm nhuận táo (chống khô), thanh nhiệt giải độc, thanh phế lợi hầu, đạt hiệu quả tốt với chứng nhiệt, phiền khát...

5. Canh rau ngót thịt heo

Rau ngót vừa bổ dưỡng lại giúp nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc. Chị em phụ nữ sau sinh và người ốm dậy ăn canh rau ngót rất tốt.

Thịt heo (loại thăn tươi) có thành phần dinh dưỡng cao, giàu chất đạm, chất béo và chất đường. Ngoài ra còn có nhiều khoáng chất và các vitamin. Thịt heo giúp cho sự phát triển về thể chất và trí tuệ, nhất là não bộ.

Chế biến: Rau ngót tuốt lá, rửa sạch, vò qua cho mềm; thịt băm nhỏ, xào chín, cho nước vào đun sôi (tùy lượng người ăn) cho rau vào nêm gia vị vừa đủ.

Trong dân gian còn dùng lá rau ngót để chữa sót nhau cho sản phụ và tưa lưỡi ở trẻ em. Dùng lá non, giã nhỏ, lấy nước cốt thấm vào bông đánh nhẹ trên lưỡi cho trẻ. Cũng lá rau giã uống sống sau 15 phút nhau sẽ bong.

6. Canh mướp đắng nhồi thịt

Khổ qua 250 gr, thịt nạc 100 gr, gia vị. Khổ qua bỏ hột, thái lát; thịt nạc thái lát, cùng khổ qua đem hầm đến khi thịt mềm, nêm nếm gia vị. Canh này có tác dụng thanh nhiệt chống say nắng, giải độc sáng mắt.





Nguyên liệu:


- Mướp đắng: 300gr (chọn quả ngắn, nở gai to)

- Thịt nạc dăm: 100gr

- Nước xương

- Mộc nhĩ, nấm hương vừa đủ

- 5 tép hành lá, ngò, tiêu, muối, bột ngọt

- 5 củ hành tím, ớt, nước mắm

Thực hiện:

- Mướp đắng cắt thành từng khúc nhỏ, vừa ăn, móc hột bỏ ra rửa sạch để ráo.

- Thịt: Rửa sạch, bằm hoặc xay nhuyễn ướp chút tiêu + muối + bột ngọt + hành lá lấy phần trắng.

- Củ hành: Bóc vỏ bằm nhuyễn. Ớt: Bỏ hột thái xéo mỏng.

- Mộc nhĩ, nấm hương ngâm mềm, rửa sạch thái nhỏ.

- Trộn chung thịt với mộc nhĩ, nấm hương thái nhỏ, 1 muỗng cà phê tiêu, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, hành lá. Nêm lại vừa ăn, dồn nhân vào từng khúc mướp đắng đã làm sạch trước đó.

- Nấu sôi nước xương rồi cho mướp đắng vào hầm, lửa riu riu. Khi tất cả chín nêm lại vừa ăn (tiêu + muối + bột ngọt + nước mắm), thêm tiêu và ngò nữa là có một nồi canh ngon, mát.

7. Canh nấm hương

Nấm hương 25 gr, đại táo 10 quả, các gia vị. Nấm hương ngâm nước nóng cho mềm, thái sợi; táo rửa sạch, cùng cho vào nồi để nấu canh, nấu với lửa mạnh đến sôi, thì hạ lửa nhỏ hầm thêm khoảng 15 phút, nêm nếm gia vị vừa dùng.

8. Canh vỏ dưa hấu

Vỏ dưa hấu 200 gr, các gia vị. Dưa hấu bỏ ruột, bỏ vỏ xanh bên ngoài cùng, thái lát dày, cho vào nồi sau khi nước sôi, nấu đến chín mềm, nêm nếm. Canh vỏ dưa hấu là một món thanh nhiệt giải độc của mùa nóng, đơn giản, dễ thực hiện.

9. Canh ngao nấu dứa

Từ lâu dứa được biết đến là loại quả có nhiều tác dụng với nhiều thành phần bổ dưỡng cho sức khỏe của bạn. Trong dứa không có cholesterol, giàu chất xơ, các enzyme tiêu hóa, vitamin C, canxi và kali. Do đó, dứa có tác dụng thanh nhiệt, giảm mỡ, kích thích tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Còn ngao là một thực phẩm giàu dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe.

Trong thịt ngao có đầy đủ các chất protit, gluxit, lipid, nhiều vitamin và những khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, món canh ngao dứa sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho gia đình bạn trong mùa hè này. Món ăn có vị thơm ngon, chua dịu lại không mất quá nhiều thời gian chế biến.



Nguyên liệu:

- 1kg ngao

- 1 quả dứa, 2 quả cà chua

- Rau răm, hành, thì là, 2 quả sấu, 1 nhánh gừng, 1 củ hành khô

- Nước mắm, bột canh, mỳ chính.

Thực hiện:

- Bước 1: Cà chua rửa sạch, 1 quả bổ múi cau, 1 quả thái hạt lựu. Hành khô thái nhỏ, gừng đập dập. Răm, hành, thì là rửa sạch, thái nhỏ.

- Bước 2: Ngao rửa sạch, cho vào nồi, đổ ngập nước rồi thêm vài hạt muối vào luộc. Khi ngao mở miệng thì bạn tắt bếp, vớt ra tách lấy phần thịt, ướp cùng mắm, mỳ chính, bột canh, 1/3 chỗ hành khô cho ngấm gia vị. Nước luộc ngao đổ ra bát cho lắng cặn.

- Bước 3: Làm nóng ít dầu ăn trong nồi, cho phần hành khô còn lại vào phi thơm. Đổ cà chua vào xào cùng. Khi cà chua chín nhừ bạn cho ngao vào. Đảo đều 2-3 phút thì múc hết ngao và cà chua ra bát.

- Bước 4: Đổ bát nước luộc ngao vào nồi, chú ý gạn bỏ phần cặn lắng bên dưới. Thả 2 quả sấu, dứa thái miếng nhỏ và gừng vào đun khoảng 10 phút. Sau đó cho ngao và cà chua bổ múi cau vào đun thêm 5 phút nữa, nêm nếm gia vị vừa ăn. Cho hành, răm, thì là vào rồi tắt bếp.

10. Canh bí đao thịt vịt



Bí đao 0,5 kg, thịt vịt 250 gr, hành, gừng, gia vị. Bí đao để cả vỏ, rửa sạch thái lát. Vịt làm sạch, bỏ nội tạng, cắt miếng, cho vào nồi nấu đến sôi, chuyển lửa nhỏ hầm đến gần chín thì cho bí đao vào hầm nhừ, nêm nếm gia vị.
(Nguồn: Sưu tầm)


Thời trang và đam mê chúc bạn ngon miệng với những món ăn bổ dưỡng cho mùa hè này nhé!

 
Thương Trịnh